Nhân rộng thành công mô hình chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và Sốt xuất huyết”

Thứ năm, 20 Tháng 7 2017 17:35
Sau 2 tháng triển khai, mô hình chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do ri rút Zika và Sốt xuất huyết” do Bộ Y tế phát động đã diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt tại 55 tỉnh, thành phố trên cả nước

Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh do vi rút Zika và nguy cơ dịch sốt xuất huyết quay trở lại vào mùa mưa năm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết” với lời kêu gọi các đơn vị chính quyền tại địa phương cùng người dân chủ động, tích cực tham gia vào chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, muỗi gây bệnh, tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đây là cách thiết thực và hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch và giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cả cộng đồng.
 

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát động chiến dịch mẫu tại Tp.HCM ngày 5/3/2016.

Chiến dịch mẫu đã được triển khai tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 5/3/2016. Ngay sau đó, nhiều địa phương trên cả nước đã nhanh chóng nhân rộng chiến dịch với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần người dân tại địa phương như: Hà Nội, Đà Nẵng, Đắc Lắk, Khánh Hòa, Phú Yên, Cần Thơ,…

Đến nay đã có 55 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai thành công chiến dịch Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng, tạo nên phong trào nhà nhà diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống dịch bệnh tích cực, hiệu quả trên nhiều địa bàn, đặc biệt tại những tỉnh, thành phố trọng điểm miền Trung và miền Nam như Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai,...

Chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết” gồm nhiều hoạt động đa dạng như: Lễ mít tinh phát động chiến dịch; Tổ chức chiến dịch người dân diệt bọ gậy, lăng quăng; Lễ ký cam kết trách nhiệm phòng chống dịch giữa Sở Y tế địa phương và UBND các huyện, thị xã tại tỉnh/thành phố; các hoạt động văn hóa văn nghệ, các cuộc thi tìm hiểu về dịch bệnh cũng như cách phòng chống, hoạt động sáng tác cổ động, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch,v.v..
 

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế và chính quyền tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn người dân kiểm tra dụng cụ chứa nước và tiêu diệt bọ gậy trong chiến dịch.
 
Tại một số tỉnh, thành phố, tiêu biểu như tỉnh Hà Tĩnh có sự tham gia nhiệt tình của thế hệ trẻ gồm hơn 200 bạn sinh viên thuộc Đoàn Thanh niên tỉnh Hà Tĩnh. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhận được sự tham gia tích cực của lực lượng Đoàn Thanh niên và khoảng 700 học sinh-sinh viên tại các trường trong địa bàn tỉnh. Trong các chiến dịch này, các bạn trẻ đã và đang trở thành những nhân tố quyết định, thành phần tích cực nhất phát huy hiệu quả chiến dịch, lan tỏa thông điệp nâng cao ý thức, chủ động phòng chống dịch bệnh đến mỗi hộ gia đình.

Nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện việc tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết trên các kênh truyền hình tỉnh, các báo, Đài và hệ thống loa phát thanh huyện, thị và xã phường, tận dụng rất hiệu quả truyền thông trực tiếp thông qua tổ dân phố, các tình nguyện viên, vốn là những người nắm rất rõ tình hình khu vực địa bàn mình tại từng xã, phường hoặc thôn, xóm, tiêu biểu như: Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bình Dương,...

Sự thành công của chiến dịch cho thấy đây thực sự là một ý tưởng sáng tạo và ý nghĩa, góp phần thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người dân, giúp chủ động và sẵn sàng phối hợp với ngành y tế để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, chiến dịch thể hiện được sự quyết tâm của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, cũng như cho thấy sự đồng lòng chung tay của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành, đoàn thể vì mục tiêu sức khỏe cộng đồng.
 

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế