SHEA 2010 – ALANTA, GIORGIA, USA

Thứ hai, 05 Tháng 4 2010 01:51

TS.BS LÊ THỊ ANH THƯ

BS.CKII. NGUYỄN THỊ THANH HÀ

 

Kỷ niệm lần thứ 50 hội nghị thường niện về “Dịch tễ học và kiểm soát nhiễm khuẩn” của các nhà dịch tễ học Hoa kỳ (SHEA) vừa được tổ chức tại thành phố Atlanta, Bang Giorgia, Hoa Kỳ từ ngày 18 – 22/3/2010. Đây là một hội nghị hàng năm của các bác sĩ, điều dưỡng và những nhà dịch tễ học, vi sinh học, kiểm soát nhiễm khuẩn từ khắp các quốc gia trên thế giới về đây hội tụ. Hội nghị có sự tham gia của 72 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Về nội dung hội nghị có tất cả 114 bài báo cáo khoa học, 174 nhà khoa học tham dự diễn đàn hội nghị, 734 nghiên cứu khoa học từ nhiều quốc gia trình bầy dưới dạng poster (Việt nam có 3 poster tại hội nghị này).

Chủ đề chính của hội nghị lần này là đánh giá lại những hoạt động và những thành tựu khoa học đã đạt được trong cuộc chiến giảm nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện (NKBV) và những giải pháp hiệu quả đã được áp dụng trong 10 năm qua. Hội nghị cũng đã đặt ra hàng loạt những câu hỏi và giải pháp cho các nhà khoa học, các thành viên của SHEA, các bác sĩ, điều dưỡng, nhà vi sinh, dịch tễ học và kiểm soát nhiễm khuẩn từ khắp nơi trên thế giới về những vấn đề nóng bỏng, quan trọng nhất đang được quan tâm đến hiện nay.

GS.TS khoa học Thomas Frieden, giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) nói: “ Để phòng ngừa nhiễn khuẩn mắc phải trong bệnh viện trong những thập kỷ tới còn có nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ”, đó là

Có bao nhiêu người bệnh và chết vì nhiễm khuẩn bệnh viện, phải tốn kém bao nhiêu tiền bạc cho những nhiễm khuẩn mắc phải và những chết liên quan tới chúng ở những cơ sở khám chữa bệnh?

Còn rất ít hiểu biết của chúng ta về những vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện tại những cơ sở chăm sóc ngoài bệnh viện.

Có bao nhiêu biện pháp cải tiến mới đây trong kiểm soát nhiễm khuẩn?

Còn bao nhiêu những nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện chưa nhận được những cải tiến này?

Và ông cũng cho chúng ta thấy từ trước tới nay những biện pháp nhằm giảm bớt NKBV thường chỉ được chú trọng trong các khoa Hồi sức tích cực (HSTC), trong khi đó còn biết bao người bệnh được nhập và nằm điều trị tại các khoa khác ngoài khoa HSTC và họ cũng có nguy cơ bị lây nhiễm như vậy, trên thực tế nhiều nghiên cứu cho thấy con số NKBV tại các khoa ngoài HSTC còn cao hơn nhiều và tốn kém hơn nhiều, vì thế KSNK trong những thập kỷ tới phải mở rộng ra các khoa ngoài HSTC, trung tâm y tế, viện chăm sóc sức khỏe khác, để đảm bảo rằng tất cả các người bệnh khi vào đến bệnh viện đều được hưởng mọi dịch vụ chăm sóc an toàn cho họ. Ông cũng đặt ra cho chúng ta thấy, bên cạnh những thành tựu mà chuyên nghành dịch tễ học và kiểm soát nhiễm khuẩn đã đạt được, còn nhiều “lỗ hổng” trong kiến thức để can thiệp giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn một cách có hiệu quả vẫn chưa được làm rõ và không chấp nhận được. Ví dụ, trong những năm qua, chúng ta vẫn chưa trả lời được như trong phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện trên những bệnh nhân có đặt catheter đường máu và đường tiểu, vấn đề chưa trả lời được đó là làm thế nào để ngăn việc tạo ra các biofilm của các vi khuẩn, kỹ thuật tối ưu nào được sử dụng trong phòng ngừa. Hoặc trong những khuyến cáo cũng chưa nói rõ được việc duy trì chăm sóc sau khi đặt như thế nào cho tối ưu. Trong phòng ngừa nhiễm khuẩn sau phẫu thuật, mức độ tiếp cận những can thiệp phẫu thuật và chuẩn hóa khi nào bệnh nhân sau mổ được xuất viện hoặc giám sát nhiễm khuẩn sau mổ còn chưa rõ ràng,….Vậy thì, những cái gì đã được chấp nhận và làm sáng tỏ, đó là làm giảm những nhiễm khuẩn mắc phải qua những biện pháp phòng ngừa có hiệu quả, ví dụ như trong phòng ngừa nhiễm khuẩn máu (NKM) trên những bệnh nhân có đặt catheter vào trong lòng mạch, những giải pháp trọn gói trong ngăn ngừa NKM là: sử dụng kỹ thuật đặt vô khuẩn, chọn vị trí đặt có ít nguy cơ nhiễm khuẩn, sử dụng chlorhexidine 2% sát trùng nơi tiêm chích, giám sát phản hồi các trường hợp đặt và nhiễm khuẩn tới các nhà lâm sàng. Giải pháp này đã được minh chứng tại các khoa HSTC ở Hoa Kỳ từ năm 1997 -2007, khi triển khai chúng đã giúp phòng ngừa được 7000 ca có khả năng NKM tiềm tàng, tránh được 1800 cái chết xảy ra và tiết kiệm được 180 triệu USD cho chi phí này hàng năm (JAMA, 2009, 301(7) 727-736). Ông nhấn mạnh rằng, để giảm NKBV và những cái chết đáng tiếng xảy ra, cần phải: “Tiếp tục có những chính sách và nguồn tài chính cung cấp đủ cho những hoạt động nhằm kiểm soát tối ưu NKBV; sử dụng một cách hiệu quả những biện pháp can thiệp đã có y học chứng cớ; nhấn mạnh tầm quan trọng của giám sát NKBV; Xây dựng những công cụ giúp cho phòng ngừa hiệu quả; tăng cường nghiên cứu những vấn đề mà chúng ta chưa hiểu biết; phổ biến những kiến thức và biện pháp hiệu quả không chỉ trong cơ sở khám chữa bệnh mà còn phải ra cộng đồng và xuất bản chúng; phải có một kế hoạch hành động trong tất cả các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bằng những hoạt động hết sức thiết thực chính phủ đã giành 40 triệu USD từ CDC cho các bang nằm đẩy mạnh hoạt động giám sát và phòng ngừa NKBV; Gìanh 10 triệu USD từ trung tâm bảo hiểm cho các hoạt động giám sát và phòng ngừa của các dịch vụ chăm sóc ngoại khoa cấp cứu.”

Từ những vấn đề của hội nghị nêu ra, nghành KSNK non trẻ của chúng ta còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết, không chỉ ở trong cấp độ những nhà kiểm soát nhiễm khuẩn, mà còn ở cả những nhà quản lý, nhà chiến lược của nghành y tế và các cơ quan ban nghành có liên quan. Với thông tư 18 về “ Hướng dẫn thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh do BYT ban hành năm 2009” sẽ giúp hoạt động KSNK của chúng ta sẽ ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được chất lượng cao, giúp lòng tin của người bệnh về dịch vụ y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh Việt Nam.