Thông tin

Thứ sáu, 09 Tháng 4 2010 07:58

Thông báo số 469/TB-DPMT, ngày 06/4/2010 của Bộ Y tế Về trường hợp dương tính với vi rút cúm A(H5) tại Bắc Kạn

BỘ Y TẾ

CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG

Số: 469 /TB-DPMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Về trường hợp dương tính với vi rút cúm A(H5) tại Bắc Kạn

 

Cục Y tế dự phòng và Môi trường thông báo ca bệnh dương tính với vi rút cúm A(H5) tại tỉnh Bắc Kạn như sau:

Bệnh nhân nam, 22 tuổi, địa chỉ: xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Ngày 28/3/2010, bệnh nhân xuất hiện sốt; Ngày 30/3/2010, bệnh nhân đến Trạm Y tế xã khám và chuyển lên Bệnh viện huyện Chợ Mới điều trị; Ngày 02/4/2010, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và được chẩn đoán Viêm phổi nặng nghi cúm A(H5N1), đến 20h00 cùng ngày bệnh nhân được chuyển tiếp lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Ngày 03/4/2010, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A(H5).

Hiện tại, bệnh nhân đang được thở máy, điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, tại nhà và xung quanh khu vực nơi bệnh nhân đang sinh sống có hiện tượng gia cầm ốm/chết.

Cục Y tế dự phòng và Môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1.Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời;

2.Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

3.Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

 

 

 

KT. CỤC TRƯỞNG

PHÓ CỤC TRƯỞNG

(Đã ký)

Nguyễn Văn Bình

 

Thứ hai, 05 Tháng 4 2010 01:51

TS.BS LÊ THỊ ANH THƯ

BS.CKII. NGUYỄN THỊ THANH HÀ

 

Kỷ niệm lần thứ 50 hội nghị thường niện về “Dịch tễ học và kiểm soát nhiễm khuẩn” của các nhà dịch tễ học Hoa kỳ (SHEA) vừa được tổ chức tại thành phố Atlanta, Bang Giorgia, Hoa Kỳ từ ngày 18 – 22/3/2010. Đây là một hội nghị hàng năm của các bác sĩ, điều dưỡng và những nhà dịch tễ học, vi sinh học, kiểm soát nhiễm khuẩn từ khắp các quốc gia trên thế giới về đây hội tụ. Hội nghị có sự tham gia của 72 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Về nội dung hội nghị có tất cả 114 bài báo cáo khoa học, 174 nhà khoa học tham dự diễn đàn hội nghị, 734 nghiên cứu khoa học từ nhiều quốc gia trình bầy dưới dạng poster (Việt nam có 3 poster tại hội nghị này).

Chủ đề chính của hội nghị lần này là đánh giá lại những hoạt động và những thành tựu khoa học đã đạt được trong cuộc chiến giảm nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện (NKBV) và những giải pháp hiệu quả đã được áp dụng trong 10 năm qua. Hội nghị cũng đã đặt ra hàng loạt những câu hỏi và giải pháp cho các nhà khoa học, các thành viên của SHEA, các bác sĩ, điều dưỡng, nhà vi sinh, dịch tễ học và kiểm soát nhiễm khuẩn từ khắp nơi trên thế giới về những vấn đề nóng bỏng, quan trọng nhất đang được quan tâm đến hiện nay.

GS.TS khoa học Thomas Frieden, giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) nói: “ Để phòng ngừa nhiễn khuẩn mắc phải trong bệnh viện trong những thập kỷ tới còn có nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ”, đó là

Có bao nhiêu người bệnh và chết vì nhiễm khuẩn bệnh viện, phải tốn kém bao nhiêu tiền bạc cho những nhiễm khuẩn mắc phải và những chết liên quan tới chúng ở những cơ sở khám chữa bệnh?

Còn rất ít hiểu biết của chúng ta về những vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện tại những cơ sở chăm sóc ngoài bệnh viện.

Có bao nhiêu biện pháp cải tiến mới đây trong kiểm soát nhiễm khuẩn?

Còn bao nhiêu những nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện chưa nhận được những cải tiến này?

Và ông cũng cho chúng ta thấy từ trước tới nay những biện pháp nhằm giảm bớt NKBV thường chỉ được chú trọng trong các khoa Hồi sức tích cực (HSTC), trong khi đó còn biết bao người bệnh được nhập và nằm điều trị tại các khoa khác ngoài khoa HSTC và họ cũng có nguy cơ bị lây nhiễm như vậy, trên thực tế nhiều nghiên cứu cho thấy con số NKBV tại các khoa ngoài HSTC còn cao hơn nhiều và tốn kém hơn nhiều, vì thế KSNK trong những thập kỷ tới phải mở rộng ra các khoa ngoài HSTC, trung tâm y tế, viện chăm sóc sức khỏe khác, để đảm bảo rằng tất cả các người bệnh khi vào đến bệnh viện đều được hưởng mọi dịch vụ chăm sóc an toàn cho họ. Ông cũng đặt ra cho chúng ta thấy, bên cạnh những thành tựu mà chuyên nghành dịch tễ học và kiểm soát nhiễm khuẩn đã đạt được, còn nhiều “lỗ hổng” trong kiến thức để can thiệp giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn một cách có hiệu quả vẫn chưa được làm rõ và không chấp nhận được. Ví dụ, trong những năm qua, chúng ta vẫn chưa trả lời được như trong phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện trên những bệnh nhân có đặt catheter đường máu và đường tiểu, vấn đề chưa trả lời được đó là làm thế nào để ngăn việc tạo ra các biofilm của các vi khuẩn, kỹ thuật tối ưu nào được sử dụng trong phòng ngừa. Hoặc trong những khuyến cáo cũng chưa nói rõ được việc duy trì chăm sóc sau khi đặt như thế nào cho tối ưu. Trong phòng ngừa nhiễm khuẩn sau phẫu thuật, mức độ tiếp cận những can thiệp phẫu thuật và chuẩn hóa khi nào bệnh nhân sau mổ được xuất viện hoặc giám sát nhiễm khuẩn sau mổ còn chưa rõ ràng,….Vậy thì, những cái gì đã được chấp nhận và làm sáng tỏ, đó là làm giảm những nhiễm khuẩn mắc phải qua những biện pháp phòng ngừa có hiệu quả, ví dụ như trong phòng ngừa nhiễm khuẩn máu (NKM) trên những bệnh nhân có đặt catheter vào trong lòng mạch, những giải pháp trọn gói trong ngăn ngừa NKM là: sử dụng kỹ thuật đặt vô khuẩn, chọn vị trí đặt có ít nguy cơ nhiễm khuẩn, sử dụng chlorhexidine 2% sát trùng nơi tiêm chích, giám sát phản hồi các trường hợp đặt và nhiễm khuẩn tới các nhà lâm sàng. Giải pháp này đã được minh chứng tại các khoa HSTC ở Hoa Kỳ từ năm 1997 -2007, khi triển khai chúng đã giúp phòng ngừa được 7000 ca có khả năng NKM tiềm tàng, tránh được 1800 cái chết xảy ra và tiết kiệm được 180 triệu USD cho chi phí này hàng năm (JAMA, 2009, 301(7) 727-736). Ông nhấn mạnh rằng, để giảm NKBV và những cái chết đáng tiếng xảy ra, cần phải: “Tiếp tục có những chính sách và nguồn tài chính cung cấp đủ cho những hoạt động nhằm kiểm soát tối ưu NKBV; sử dụng một cách hiệu quả những biện pháp can thiệp đã có y học chứng cớ; nhấn mạnh tầm quan trọng của giám sát NKBV; Xây dựng những công cụ giúp cho phòng ngừa hiệu quả; tăng cường nghiên cứu những vấn đề mà chúng ta chưa hiểu biết; phổ biến những kiến thức và biện pháp hiệu quả không chỉ trong cơ sở khám chữa bệnh mà còn phải ra cộng đồng và xuất bản chúng; phải có một kế hoạch hành động trong tất cả các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bằng những hoạt động hết sức thiết thực chính phủ đã giành 40 triệu USD từ CDC cho các bang nằm đẩy mạnh hoạt động giám sát và phòng ngừa NKBV; Gìanh 10 triệu USD từ trung tâm bảo hiểm cho các hoạt động giám sát và phòng ngừa của các dịch vụ chăm sóc ngoại khoa cấp cứu.”

Từ những vấn đề của hội nghị nêu ra, nghành KSNK non trẻ của chúng ta còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết, không chỉ ở trong cấp độ những nhà kiểm soát nhiễm khuẩn, mà còn ở cả những nhà quản lý, nhà chiến lược của nghành y tế và các cơ quan ban nghành có liên quan. Với thông tư 18 về “ Hướng dẫn thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh do BYT ban hành năm 2009” sẽ giúp hoạt động KSNK của chúng ta sẽ ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được chất lượng cao, giúp lòng tin của người bệnh về dịch vụ y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh Việt Nam.

Thứ hai, 22 Tháng 3 2010 06:11

Thông báo số 394/TB-DPMT, ngày 19/3/2010 của Bộ Y tế Về trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Bình Dương

BỘ Y TẾ

CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG

Số: 394 /TB-DPMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Về trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Bình Dương

 

 

Cục Y tế dự phòng và Môi trường thông báo trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Bình Dương như sau:

Bệnh nhân nữ, 03 tuổi, thường trú tại Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Bệnh khởi phát ngày 05/3/2010 với biểu hiện sốt cao, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Thuận An và phòng khám tư nhân khám và điều trị nhưng không đỡ. Ngày 10/3/2010, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng II điều trị và được chẩn đoán sau hội chẩn là: Viêm phổi nặng nghi do cúm A(H5N1).

Kết quả xét nghiệm ngày 15/3/2010 tại Bệnh viện Nhi đồng II dương tính với vi rút cúm A(H5). Tại đây, bệnh nhân đã được điều trị tích cực bằng thuốc kháng vi rút, thở máy, kháng sinh hỗ trợ. Bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân tử vong ngày 17/3/2010.

Ngày 17/3/2010, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh khẳng định kết quả dương tính với vi rút cúm A(H5N1).

Đây là trường hợp tử vong thứ hai do cúm A(H5N1) trong năm 2010. Cục Y tế dự phòng và Môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1.Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời;

2.Không vận chuyển, mua bán, chế biến gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

3.Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

 

 

CỤC TRƯỞNG

NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ

(Đã ký)

Nguyễn Huy Nga

 

Thứ năm, 04 Tháng 3 2010 02:28

Thông báo số 259/TB-DPMT, ngày 26/02/2010 của Bộ Y tế Về trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Tiền Giang

BỘ Y TẾ

CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG

Số:259/TB-DPMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Về trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Tiền Giang

 

 

Cục Y tế dự phòng và Môi trường thông báo trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Tiền Giang như sau:

Bệnh nhân nữ, 38 tuổi, thường trú tại Xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Bệnh khởi phát ngày 13/02/2010, bệnh nhân đã tự mua thuốc điều trị ở nhà và đến trạm y tế xã điều trị nhưng không đỡ. Ngày 21/02/2010, bệnh nhân thấy mệt hơn, đau ngực, khó thở, được người nhà đưa đến điều trị tại Bệnh viện Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi nặng do vi rút – sốc nhiễm trùng nặng, bệnh nhân đã được hồi sức, điều trị tích cực. Bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân tử vong lúc 09h00 ngày 23/02/2010.

Điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân có tiền sử giết mổ và chế biến thủy cầm bị bệnh. Ngày 23/02/2010, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh trả lời kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A(H5N1).

Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do cúm A(H5N1) trong năm 2010. Cục Y tế dự phòng và Môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1.Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời;

2.Không vận chuyển, mua bán, chế biến gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

3.Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

 

 

 

CỤC TRƯỞNG

NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ

(Đã ký)

Nguyễn Huy Nga

 

Thứ năm, 04 Tháng 3 2010 02:11

Thông báo số 271/TB-DPMT, ngày 01/3/2010 của Bộ Y tế Về 02 trường hợp dương tính với cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa và Tuyên Quang

BỘ Y TẾ

CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG

Số: 271/TB-DPMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Về 02 trường hợp dương tính với cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa và Tuyên Quang

 

 

Cục Y tế dự phòng và Môi trường thông báo 02 ca bệnh dương tính với cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa và Tuyên Quang như sau:

1. Trường hợp tại Khánh Hòa: bệnh nhân nữ, 03 tuổi, thường trú tại xã Ninh Thân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Khởi phát ngày 27/01/2010 với triệu chứng sốt cao 390C, ho, sổ mũi. Ngày 28/01/2010, bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện huyện Ninh Hòa khám và được chẩn đoán Viêm đường hô hấp trên; bệnh nhân đã được lấy mẫu bệnh phẩm trong khuôn khổ dự án Nâng cao năng lực phòng xét nghiệm hợp tác Việt – Úc. Ngày 12/02/2010, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang dương tính với cúm A(H5N1).

Hiện nay, trẻ đã được điều trị hồi phục và khoẻ mạnh. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, mọi người trong gia đình và xung quanh không có ai bị bệnh tương tự, không có hiện tượng gà vịt ốm/chết hàng loạt, gia đình bệnh nhân có nuôi gà nhưng không có hiện tượng gà ốm/chết. Khoảng gần 1 tháng trước, tại trại đà điểu (cách nhà bệnh nhân gần 1 km) có hiện tượng đà điểu chết không rõ nguyên nhân.

Ngày 27/02/2010, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H5N1).

Theo thông báo ngày 25/02/2010 của Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay tại huyện Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có dịch cúm trên gia cầm chưa qua 21 ngày.

2. Trường hợp tại Tuyên Quang: Bệnh nhân nữ, 17 tuổi, thường trú tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Khởi phát bệnh ngày 19/02/2010 với triệu chứng sốt cao 38,90C, ho, đau họng. Bệnh nhân được đưa đến điều trị tại phòng khám đa khoa Tân Trào, sau đó được chuyển tiếp đến bệnh viện đa khoa huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày 24/02/2010. Tại đây bệnh nhân được điều trị bằng Tamiflu theo phác đồ điều trị đối với ca nghi cúm A(H5N1).

Hiện tại, bệnh nhân khó thở nhẹ, không phải thở máy, hình ảnh Xquang phổi tiến triển tốt và đang được quản lý, điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Sơn Dương.

Tiền sử dịch tễ liên quan: khoảng 10 ngày trước đây tại nhà bệnh nhân có xảy ra hiện tượng gà ốm/chết không rõ nguyên nhân, bệnh nhân có tham gia tiêu hủy gà ốm/chết của gia đình.

Ngày 27/02/2010, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A(H5N1).

 

Như vậy, từ đầu năm 2010 đến nay, cả nước đã nghi nhận 03 trường hợp dương tính với cúm A(H5N1) ở người, trong đó có 01 ca tử vong.

Cục Y tế dự phòng và Môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1.Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời;

2.Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

3.Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

 

 

 

 

CỤC TRƯỞNG

NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ

(Đã ký)

Nguyễn Huy Nga

 

Thứ ba, 23 Tháng 2 2010 01:39

Thông báo số 238/TB-DPMT, ngày 11/02/2010 của Bộ Y tế Về tình hình cúm A(H1N1), cúm A(H5N1) và tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả

BỘ Y TẾ

CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG

Số: 238 /TB-DPMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Về tình hình cúm A(H1N1), cúm A(H5N1) và tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả

 

Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế thông báo tình hình dịch cúm A(H1N1) và tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả, đến 17h00 ngày 10/02/2010 như sau:

1. Tình hình dịch trên thế giới:

Cúm A(H1N1): Theo thông báo số 86 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 31/01/2010, toàn thế giới đã có hơn 211 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận bệnh nhân dương tính với vi rút cúm A(H1N1), trong đó có ít nhất 15.174 trường hợp tử vong.

Cúm A(H5N1) trên người: Ngày 08/02/2010, Bộ Y tế Ai Cập thông báo thêm 02 ca nhiễm vi rút cúm A(H5N1) trên người, cả 2 trường hợp này hiện đang được điều trị bằng Oseltamivir. Điều tra dịch tễ cho thấy, cả 02 trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết.

Như vậy, đến ngày 08/02/2010, toàn thế giới đã ghi nhận 473 trường hợp dương tính với vi rút cúm A(H5N1) tại 15 quốc gia, trong đó có 282 trường hợp tử vong.

2. Tình hình dịch tại Việt Nam:

2.1. Về tình hình dịch cúm A(H1N1):Theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, tính đến 17h00 ngày 10/02/2010, Việt Nam đã ghi nhận 11.186 trường hợp dương tính, 58 trường hợp tử vong.

Trường hợp tử vong thứ 58 tại Điện Biên.

Bệnh nhân nam, 37 tuổi, địa chỉ: xã Chà Nưa, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Ngày 17/01/2010, bệnh nhân đến Trạm Y tế xã khám và điều trị vì xuất hiện triệu chứng ho, khó thở, sốt cao. Ngày 22/01/2010, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện huyện Mường Chà trong tình trạng sốt cao 39oC, khó thở. Diễn biến bệnh ngày càng nặng, ngày 25/01/2010, bệnh nhân được chuyển tiếp lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên và được chẩn đoán Viêm phổi nặng nghi do cúm A(H1N1). Tại đây, bệnh nhân được điều trị thuốc kháng vi rút, hồi sức tích cực và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

Ngày 27/01/2010, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trả lời kết quả dương tính với vi rút cúm A(H1N1). Bệnh diễn biến nặng và tử vong lúc 12h00 ngày 04/02/2010.

2.2. Về tình hình dịch cúm A(H5N1):

Dịch cúm trên gia cầm:

Theo thông báo của Cục Thú Y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tuần ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm mới phát sinh tại các địa phương là Hà Tĩnh, Cà Mau, Quảng Trị, Kon Tum và Nghệ An.

Hiện nay, cả nước còn 07 tỉnh là Cà Mau, Hà Tĩnh, Điện Biên, Sóc Trăng, Kon Tum, Quảng Trị và Nghệ An có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

Dịch cúm A(H5N1) trên người:

Trong tuần không ghi nhận truờng hợp cúm A(H5N1) trên người.

2.3. Về tình hình dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả: Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, đến ngày 04/02/2010 bệnh viện đa khoa huyện An Phú đã tiếp nhận điều trị tổng số 08 bệnh nhân Tả người Căm Pu Chia, đến ngày 01/02/2010, đã có 02 bệnh nhân người Việt Nam nhập viện điều trị do tiêu chảy cấp, ngày 05/02/2010, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm khẳng định 02 bệnh nhân này nhiễm phẩy khuẩn Tả, cụ thể như sau:

Bệnh nhân thứ nhất: Bệnh nhân nam, 25 tuổi, nghề nghiệp: làm ruộng.

Nơi sống: Ấp Phú Nhơn - Xã Phú Hội - huyện An Phú

Ngày khởi phát: 30/01/2010

Ngày nhập viện: 31/01/2010

Nơi điều trị: Bệnh viện đa khoa huyện An Phú, An Giang

Bệnh nhân thứ hai: Bệnh nhân nam,41 tuổi, nghề nghiệp: làm ruộng

Nơi sống: Ấp Bình Dị - Xã Khánh Bình - huyện An Phú

Ngày nhập viện: 01/02/2010

Nơi điều trị: Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Ky huyện An Phú

Yếu tố dịch tễ: Hai bệnh nhân trên sống tại huyện An Phú nhưng thường xuyên qua Căm Pu Chia làm ruộng (khu vực có nhiều bệnh nhân tả). Điều tra trong vòng 05 ngày trước khi khởi bệnh, không rõ thực phẩm, nước uống nghi ngờ liên quan dịch tễ.

3. Khuyến cáo của Bộ Y tế:

3.1. Học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học, những người đang công tác tại các công sở, người dân sinh sống và làm việc tại các khu vực tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chung cư, ký túc xá,... chủ động theo dõi sức khoẻ hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm và các bệnh đường hô hấp. Nếu có biểu hiện cúm hay nghi ngờ bệnh cúm thì cần chủ động cách ly và thông báo cho đơn vị và y tế cơ quan biết để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

3.2. Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS, bệnh hệ thống...), người già, trẻ em dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A(H1N1) do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.

3.3. Mọi người dân bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi, đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.

3.4. Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc; tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm ốm, chết mà phải thông báo ngay cho chính quyền và cơ quan Thú y địa phương để xử lý kịp thời phòng lây nhiễm cúm A(H5N1) từ gia cầm sang người.

3.5. Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng nước sạch để phòng tránh bệnh Tả và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá khác, đặc biệt là các bữa cỗ tập trung đông người trong dịp Tết Nguyên Đán.

3.6. Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm, tiêu chảy cấp hãy thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989.671115, Fax: 04.37366241, Email: baocaodich@gmail.com ).

Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với tất cả các địa phương, bộ/ban ngành liên quan, các nước và các tổ chức quốc tế để theo dõi sát tình hình, triển khai các biện pháp khống chế dịch, giảm thiểu sự lây lan và tác hại của dịch

 

 

CỤC TRƯỞNG

NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ

(Đã ký)

Nguyễn Huy Nga

 

Thứ tư, 06 Tháng 1 2010 07:25

Trước ca tử vong do cúm A/H5N1 thứ 5 trong năm nay vừa xảy ra tại Điện Biên vào cuối tháng 11, Bộ Y tế đã cảnh báo các địa phương về tình hình dịch cúm A/H5N1 có thể bùng phát mạnh vào mùa đông năm nay. Sở Y tế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị với các sở, ban, ngành có liên quan nhằm "hâm nóng" công tác phòng, chống cúm A/H1N1.

Nhiều bài học kinh nghiệm

Bác sĩ Võ Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng, so với nhiều tỉnh, thành thuộc địa bàn có nguy cơ cao trong cả nước, Bà Rịa Vũng Tàu được ghi nhận số ca nhiễm và nghi nhiễm cúm A/H1N1 không nhiều. Bà Rịa Vũng Tàu đã khống chế và kiểm soát tình hình dịch cúm A/H1N1 tương đối tốt. Tuy vậy, diễn biến dịch vẫn đang theo chiều hướng phức tạp, nhất là trong thời điểm mùa đông, khi cúm A/H5N1 có dấu hiệu gia tăng trở lại, dịch sẽ càng phức tạp hơn và nguy cơ tái tổ hợp cúm mới có thể xảy ra.

Theo bác sĩ Võ Văn Hùng, ở thời điểm này, công tác phòng, chống cúm A/H1N1 của cộng đồng đang "chững" lại và đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trước dịch bệnh nguy hiểm này. Nếu không "hâm nóng" công tác phòng, chống dịch và đưa ra những phương án mới, thích hợp cho diễn biến của giai đoạn tiếp theo, việc dịch bùng phát trở lại và lây lan trên diện rộng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Khánh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP Bà Rịa Vũng Tàu khẳng định, nếu ngành y tế không quyết liệt, yêu cầu chính quyền địa phương vào cuộc, dịch cúm A/H1N1 tại Châu Đức còn có thể kéo dài và lây lan trong cộng đồng. Biện pháp phòng chống dịch đơn giản, tuân thủ theo khuyến cáo về phòng hộ cá nhân đã phát huy tác dụng khá rõ. Chỉ với việc đeo khẩu trang cho mọi học sinh, giáo viên và những người có liên quan (bảo đảm 100%), vệ sinh môi trường tốt, số ca nghi nhiễm cúm A/H1N1 (do viện Pasteur không còn làm xét nghiệm khẳng định kể từ ngày 1/10) tại Châu Đức đã giảm mạnh, dịch dần được khống chế và nằm trong tầm kiểm soát. Kinh nghiệm cho thấy, ổ dịch cúm A/H1N1 có thể nhanh chóng được dập tắt nếu khống chế quyết liệt bằng các việc kết hợp các biện pháp. Đơn cử như ổ dịch tại Trường tiểu học Lê Thành Duy (thị xã Bà Rịa) đã được dập tắt chỉ trong vòng 10 ngày.

Bác sĩ Nguyễn Khánh Vân còn cho rằng, ý thức người dân còn thấp và chưa chủ động phòng, chống dịch theo đúng khuyến cáo, ví dụ như với ổ dịch tại Nhà máy Thép tấm lá Phú Mỹ, chỉ đến khi chính quyền huy động lực lượng công an chốt hai đầu khu cư xá mới thực sự cách ly được người nghi nhiễm cúm A/H1N1 và có liên quan. Còn ở Trường tiểu học Lê Thành Duy, người dân đã ùn ùn kéo đến đưa con em về, không cho tới lớp khi có thông tin về trường hợp một ca bệnh tại đây. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền cần tăng cường hơn nữa, để người dân hiểu đúng, đủ, không quá hoang mang lo sợ, cũng không quá chủ quan, thờ ơ trong phòng, chống dịch.

Không được chủ quan

Theo kết quả của cuộc giám sát công tác phòng, chống cúm A/H1N1 vừa qua, số đơn vị còn chủ quan, lơ là trước dịch bệnh này còn nhiều. Ở các trường học, không chỉ học sinh mà cả giáo viên vẫn chưa có đầy đủ thông tin, kiến thức cần thiết trong phòng, chống cúm A/H1N1

Bác sĩ Ngô Phê, Trưởng Phòng Kế hoạch - tổng hợp, Trung tâm y tế Châu Đức chia sẻ kinh nghiệm trong khâu cách ly khi ở đơn vị này có đến 95,5% số bệnh nhân là học sinh. Bác sĩ Phê cho biết, có những bệnh nhân xét nghiệm kết quả dương tính với cúm A/H1N1 nhưng bệnh tự khỏi trong vòng 3 - 4 ngày, không cần điều trị tamiflu. Một số trường hợp bệnh nhẹ, cho toa về nhà điều trị viêm họng, sau 3 - 4 ngày có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng bệnh nhân đã hết sốt, trở lại sinh hoạt bình thường. Kinh nghiệm của huyện Châu Đức cho thấy, khả năng điều trị ngoại trú cho bệnh nhân trong trường hợp nhẹ hoặc điều trị tại trạm y tế xã, phường vẫn được coi là phương án lựa chọn khả quan nếu dịch lây lan rộng. Chỉ những trường hợp nặng, hoặc có yếu tố nguy cơ mới cần thiết phải điều trị cách ly tại bệnh viện tuyến huyện, tỉnh nhằm giảm tải. Đây cũng là vấn đề đang được thảo luận và triển khai thực hiện từng bước tại các đơn vị y tế cơ sở. Trong tháng 11 vừa qua, Sở Y tế đã yêu cầu các địa phương rà soát lại phương tiện, trang thiết bị, nhân lực của trạm y tế xã, phường nhằm chuẩn bị triển khai phương án tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1.

Minh Thư

Trang